top of page

Sức ì của bạn bự cỡ nào?



Khi bàn về năng suất công việc (productivity), người ta hay túm cổ những cái tật như trì hoãn (procrastination), kỹ năng quản lý công việc và thời gian kém, lười. Những thứ này chỉ là biểu hiện; có một thứ mạnh mẽ hơn, đứng sau giựt dây mà ít ai nói tới, đó là sức ì.


Nói cho vuông, sức ì là kẻ thù của hiệu suất và cả sáng tạo.


⏤ ♣︎ ⏤

Sức ì là gì?

Bạn có bao giờ chi cả chục triệu cho một chiếc máy tập rồi đem về nhà trưng cho tới khi đóng bụi không? Bạn có mua thẻ tập hạng VVIP, hạng kim cương rồi cất nó vô cái ngăn kín nhất trong bóp chỉ sau bữa tập thứ hai không? Bạn có mơ ước làm bác sĩ, kinh doanh, học thêm bằng này bằng kia rồi rốt cuộc nằm trên giường coi hết series này tới series khác trên Netflix và chấp nhận một công việc bàn giấy bình thường không?


Rồi mỗi tối, những hoài bão, dự định, và công chuyện lỡ dở có để yên cho bạn ngủ, hay lởn vởn trong đầu? Nếu bạn muốn làm nhà văn mà bạn chưa bắt tay vào viết, làm hoạ sĩ hay designer mà chưa bắt tay vào vẽ, làm doanh nhân mà chưa thử bán món gì, bạn hiểu hơn ai hết sức ì là gì.


Sức ì là cái thế lực độc hại nhất tôi từng chứng kiến. Nó là căn nguyên của bất hạnh trong những con người bình thường như bạn và tôi. Nó mang một nỗi buồn đeo bám, dai dẳng hơn cả nghèo khó và bệnh tật. Nó tước đi niềm vui và động lực, khiến ta sống chật vật và thua xa những gì ta vốn có.


 

Nhận diện kẻ thù (kẻo lầm)

The enemy is a very good teacher. — the Dalai Lama

Dưới đây là một danh sách không theo thứ tự những việc quyến rũ nhất mà "sức ì" luôn dòm ngó:

  • Theo đuổi hoạt động nghệ thuật: viết, vẽ, nhảy, làm film, dự án sáng tạo, dù lớn hay nhỏ.

  • Bắt đầu công việc kinh doanh.

  • Làm những thứ được vạch ra để loại bỏ thói quen xấu hay tập thói quen mới.

  • Theo đuổi chế độ ăn uống lành mạnh.

  • Rèn luyện sức khoẻ tinh thần.

  • Giảm cân, giảm mỡ bụng.

  • Học ngôn ngữ mới, kỹ năng mới.

  • Đối diện với một sự cam kết nào đó: hôn nhân, có con, mối quan hệ, trồng cây, nuôi chó.

Hình như có gì giống giống nhau ở đây?

Điểm chung của những việc này là nó không mang tới thành quả, cái "đã" tức thời, mà cần bạn cam kết dài hơi. Nói đúng hơn, những công chuyện dở dang ngăn ta sống cuộc đời ta đáng sống.


 

Sức ì của bạn khủng cỡ nào?

Vô khúc chính rồi nè.


Vô hình

Sức ì không thể cầm, nắm, sờ, nếm nó, mà chỉ có thể cảm nhận. Ta chỉ cảm thấy một nguồn năng lượng chống đối và tiêu cực toả ra khi cần bắt tay thực hiện một công việc dài hơi. Nó gây xao lãng, đẩy ta đi, ngăn ta làm thứ cần làm.


Từ bên trong

Mọi cái cớ đều có vẻ đến từ xung quanh: má ta la, con ta khóc, hàng xóm ồn ào khiến ta không tập trung làm việc được. Sức ì không phải là một thế lực ngoại vi, nó sinh ra tự bên trong ta, và trường tồn theo năm tháng. Những rào cản bên ngoài chỉ là những đồng minh giúp sức ì đạt được mục đích của mình.


Xảo quyệt

Sức ì làm đủ mọi cách để ta từ bỏ công việc. Nó thiên biến vạn hoá, lúc thì quyến rũ, lừa dối, lúc thì giả vờ, hành xác, miễn là bạn không làm việc.


Bất biến

Sức ì là bản năng, nên đừng nói tới chuyện chữa cho hết ì. Và bạn cũng không phải là người duy nhất phải chống chọi với nó. Bất cứ ai, đến từ đâu, đạt được thành tựu gì trong đời cũng đều kinh qua cái cảm giác chán chường và mệt mỏi như bạn.


Sức ì được nuôi nấng bởi nỗi sợ và chỉ tấn công khi bạn đặt mục tiêu cao hơn, hướng tới cuộc đời tốt đẹp hơn. Nếu bạn đang mơ ước mở một quán cafe rồi rốt cuộc từ bỏ và chấp nhận làm công ăn lương cho "nhẹ cái đầu", thì yên tâm, sức ì sẽ không ngó tới bạn đâu.


Trỗi dậy mạnh mẽ ở gần vạch đích

Những người từng chạy bộ sẽ hiểu điều tôi nói. Sức ì của bạn trở nên mạnh mẽ nhất khi đích đến đang ở trong tầm mắt. Khi bạn đã vượt qua 9 cây số và chỉ còn 01 cây số để chiến thắng bản thân, sức ì sẽ làm mọi cách để bạn từ bỏ, nên hãy luôn cẩn thận và quan sát mình.


Sức ì & trì hoãn

Trì hoãn là hình hài phổ biến nhất của sức ì. Trì hoãn cho bạn những cái cớ rất hợp lý để trốn tránh thứ cần làm. Bạn sẽ không bao giờ tự nhủ: "Tôi thề không bao giờ tập thể dục trong cuộc đời này", mà chỉ tự trấn an "Tôi chắn chắn sẽ tập thể dục, bắt đầu từ ngày mai." Và bạn biết mà, ngày mai có bao giờ tới?


Sự nguy hiểm nhất của trì hoãn là nó có thể tạo thành thói quen. Chúng ta không từ bỏ cuộc sống tốt hơn, cơ thể khoẻ mạnh hơn và nguồn kiến thức dồi dào hôm nay, ta chỉ "tạm" dời chuyện đó cho tới khi ta lìa đời.


Nếu bạn muốn làm gì để cải thiện cuộc sống thì thời điểm tốt nhất là hôm nay, và chia nó ra thành mục tiêu siêu nhỏ, nhỏ tới nỗi bạn phải tự xấu hổ nếu không thực hiện được. Ví như tôi muốn đọc hết 01 cuốn sách tiếng Anh trong vòng 01 tháng. Tôi sẽ đặt mục tiêu đọc 2 trang mỗi ngày, bắt đầu từ hôm nay.


Make time, not excuses.

Kiếm cách chứ đừng kiếm cớ.


Xu hướng drama hoá

Khi nào thì bạn biết bạn đã đuối?! Hay tôi gọi trạng thái đó bằng một cái tên thịnh hành hơn là "burn out". Và khi nào thì bạn biết thực chất bạn chỉ đang ì?


Kể ra cũng ngộ. Ta có xu hướng dây vào đủ thứ vấn đề như để cơ thể kiệt quệ, lo âu, lạm dụng đồ uống có cồn, chất kích thích để lái sự chú ý của mình từ thứ nên tập trung giải quyết sang một trạng thái không ổn nhưng "phẻ cái đầu" hơn. Tôi biết trong thời đại công nghệ & mạng xã hội nở rộ như hiện tại, việc rơi vào trầm cảm và lo âu là điều khó tránh và không nên cợt nhả hay bông đùa, nhưng bản thân ta nên hiểu rõ nhất mình có đang thực sự gặp vấn đề tâm lý không hay thực chất là một cái cớ để tạm hoãn đối diện với vấn đề của mình?


Sức ì mang lại cảm giác gì?

Rõ ràng nhất là bất hạnh. Rồi đến những cảm xúc tiêu cực như buồn chán, tội lỗi, mệt mỏi nhưng không thể nghỉ ngơi. Ta có thể tìm đến những cuộc vui, bỏ trốn đến những vùng đất khác để "chữa lành" cho tâm trí, tham gia các khoá trị liệu, nhưng vấn đề vẫn nằm ở đó, và tất cả những gì ta cảm nhận sau những hành động lẩn tránh đó là một sự thất vọng, chán chường đeo bám.



Tôi biết nói điều này sẽ làm nhiều người tổn thương nhưng cách tốt nhất để giải quyết những khó khăn, trạng thái đuối và mệt mỏi bạn gặp trong công việc không phải là lẩn tránh bằng những chuyến đi cùng trời cuối đất, hay tham vấn với chuyên gia tâm lý. Việc tốt nhất bạn cần làm là ngồi xuống và bắt tay vào làm việc. Thần dược ở đây là: Hãy trở thành chuyên gia (hay gọi là "pro") đi.


Dạ, thuốc đắng dã tật.


 

Tôi làm gì để chống lại sức ì của mình?

Là một người bình thường, tôi sống cuộc đời không muốn nói là "tầm thường" nhất mà bạn có thể tưởng tượng.


Mỗi này tôi đều dậy sớm, vệ sinh cá nhân rồi ăn sáng. Sau đó tôi đọc báo, chỉ là một thói quen cập nhật tin tức trong nhiều năm nay. Nếu cần giải quyết công chuyện qua điện thoại, tôi sẽ tranh thủ xử luôn trong buổi sáng. Tôi pha cafe, chế vào bình, gom đồ dùng vào giỏ, vậy là đồ nghề đã gọn gàng trong tay. Rồi tôi xỏ đôi giày "vía", chỉnh lại cái vòng trên tay, bộ đôi thần thánh luôn mang tới may mắn trong công việc cho tôi. Bạn cũng nên kiếm cho mình Một món đồ "vía" để mang đi làm hằng ngày, lấy hên.


Đến công ty, tôi sắp xếp các món đồ trên bàn làm việc thành một cái thế hợp lý nhất để tập trung tuyệt đối, rồi cầu nguyện. Mong những vị "tổ nghề" ban cho tôi sức mạnh để hoàn thành công việc hôm nay. Chưa gì đã ngót nghét đã 10:30 rồi, ngả lưng vô cái ghế sờn, tôi khởi động máy tính. Khi vừa gõ những ký tự đầu tiên của ngày hôm nay, một cảm giác chán chường và uể oải nhẹ lướt qua.


Tôi tiếp tục lọc cọc gõ. Bốn tiếng trôi qua, tôi cứ theo đà mà viết thành câu, thành dòng, rồi thành đoạn. Sáu giờ đã điểm, tôi gói ghém ngày làm việc lại. Sau khi sao hết thành quả vào một bộ nhớ khác (phòng khi xui cháy nổ hay máy tính ngủm đột ngột), tôi tắt tất cả những thứ có thể tắt được, trả ghế ngay ngắn, bước ra khỏi văn phòng. Trời đã điểm tối.


Hôm nay tôi đã viết được bao nhiêu trang rồi ta? Tôi chẳng buồn đếm. Tôi có viết gì "được được" không ta? Tôi chặc lưỡi "Kệ!". Điều quan trọng là tôi đã tận dụng hết thời gian, năng lượng và làm tất cả những gì mình có thể. Nhiêu đây đã đủ cho hôm nay, vừa ngót nghét để tôi vượt qua cái sự ì của mình.


Có một bí mật về sáng tạo tôi tin chỉ những nghệ sĩ thực thụ mới thấm thía, còn những kẻ mộng mơ không bao giờ thừa nhận: Việc viết, vẽ, luyện tập không khó. Cái khó là ngồi xuống bàn, mở máy và làm. Sức ì ngăn ta từ cái khúc ngồi xuống và bắt tay vào một việc gì đó.


Quay lại câu hỏi làm sao để trở thành "pro"? Câu trả lời là một trường hành động không đổi, ngày qua ngày, bước từng bước: luôn chuẩn bị trước, kiên nhẫn, bền bỉ, đối diện với những nỗi sợ do mình tạo ra, không bao biện, cắc cớ, vớ vẩn.


 

Biên dịch từ cuốn "The War of Art" – Stephen Pressfield, xuất bản lần đầu năm 1951.

Nếu bạn muốn chạm tới nội dung nguyên bản nhất, chạm vào đây.


Kiến thức là để sẻ chia, đã vậy còn free!

Nút share ở đây👇

6,022 views

Comentarios


bottom of page