Sao ta luôn hiểu lầm nhau? Tại sao lời của ba má bao giờ cũng khó "lọt tai" hơn của đứa bạn thân? Tại sao bà con tích cực bàn luận về một người nổi tiếng không hề quen biết? Tại sao, tại sao và tại sao?
Khi có sai lệch trong quá trình xử lý thông tin, ta dễ hiểu sai ý nghĩa thực sự của các tình huống, sự kiện xảy ra trong cuộc sống hàng ngày. Đây là cơ sở phát sinh các rối nhiễu tâm lý, cũng là tiền đề lợi hại của những lời nguỵ biện, bao biện cho quan điểm cá nhân của mình. Bạn có mắc phải một trong ba tư duy phổ biến sau đây, hay đang mắc luôn cả ba? Bài viết trích từ tác giả Huskywannafly trên diễn đàn Spirum vào tháng 4 năm 2017 giải thích chi tiết hơn về 03 lỗi tư duy khiến cuộc sống của ta khó khăn hơn.
⏤ ♣︎ ⏤
Tư duy tuyến tính
Tuyến tính có nghĩa là đường thẳng , trong toán học ta có phương trình đường thẳng (linear equation) như y = 2x - 1, khi bạn vẽ x và y ra trên biểu đồ nó sẽ thành một đường thẳng. Ta thấy rằng x càng giảm thì y càng giảm theo cùng một hằng số n (trong phương trình này là 2).
Mở rộng ra thì kiểu tư duy này rất phổ biến trong xã hội. Ví dụ như nhiều bậc phụ huynh nhồi vào đầu con trẻ rằng càng học càng cao thì ra trường làm lương càng cao, càng bỏ nhiều thời gian ra cắm mặt học (với sự chỉ dẫn của roi mây) thì con mình sẽ càng điểm cao. Tư duy này cũng thấy trong mặt tình cảm như: gái càng xinh càng khó cưa, trai càng giàu càng nhiều gái (và trai) thích.
Rất nhiều công trình nghiên cứu tâm lý học hành vi (cognitive psychology) chỉ ra rằng suy nghĩ của ta có xu hướng theo tư duy tuyến tính. Não bộ con người khó khăn trong việc hiểu các mối quan hệ phức tạp (non-linear), và cố biến những mối quan hệ này như những đường thẳng đơn giản: chơi game nhiều thì học dở (chủ đề ưa thích của phụ huynh), con bé đó học giỏi lắm, sau này ra trường sẽ có việc tốt, công ty đó giàu lắm, vô làm chắc lương cao.
Tại sao tư duy này không ổn?
Câu trả lời đơn giản là: Thế giới ta sống không hề tuyến tính!
Thế giới của ta có thể như đường cong parabola, hình zic-zac, ma trận chồng chéo scramble, hình tròn, hình vuông, hình trái tim hay một mớ hỗn độn không rõ hình thù.
Nếu cứ mù quáng áp dụng tư duy tuyến tính cho các vấn đề có hình thù phức tạp thì chúng ta chỉ cứ kẹt mãi với vấn đề đó. Viết như vậy không phải để nói rằng tư duy tuyến tính không tốt. Trên thực tế, nó giúp ta giải quyết nhanh các vấn đề đơn giản (như càng thức khuya càng mệt), và chỉ dừng lại ở những vấn đề đơn giản. Điều cần làm là nhận thức được ta có đang cố áp dụng tư duy tuyến tính cho các vấn đề phức tạp không, và nên áp dụng các mô hình tư duy nào để giải quyết vấn đề (sẽ bàn trong các bài viết khác).
Thế giới ta sống không hề tuyến tính!
Tư duy phóng đại
Cái tên của nó đã nói rõ lên tất cả: bạn phóng đại mọi chuyện trên trời dưới đất dựa trên kinh nghiệm của bản thân.
Bạn đọc báo về chủ đề ngập nước ở Thành phố Hồ Chí Minh, và lướt xuống phần bình luận thì có người: "Tôi đi làm hằng ngày bằng xe máy thì quan sát thấy ngập lụt là do bla bla.." thì không cần đọc vế sau, bạn có thể biết rằng nhận xét của ông được 99% phóng đại từ quan sát của ông, trên cung đường mà ông vẫn đi lại hằng ngày. Không phải cả hệ thống thoát nước của thành phố được đặt tại con đường ấy.
Không chỉ những cá nhân, công ty nhỏ lẻ, mà chính tập đoàn đa quốc gia không thoát khỏi lỗi tư duy này. Coca Cola là một ví dụ điển hình.
Thất bại huyền thoại của Coca-Cola
Bạn có từng nghe nói đến món nước Coca mới "New Coke" bao giờ chưa? Tất nhiên là chưa rồi, vì nó đã nhanh chóng biến thành thảm hoạ và biến mất trên thị trường chỉ sau vài tháng ra mắt. Còn hãng Coca-Cola thì ra sức làm cho mọi người lãng quên câu chuyện buồn này.
Đó là những năm 1980 và đối thủ cạnh trang đáng gờm của ông trùm nước giải khát là Pepsi có xu hướng thắng thế, dẫn đầu trên thị trường đồ uống có độc, à nhầm có gas. Và tất nhiên Coca-Cola không thể để yên cho chuyện đó xảy ra.
Chúng ta sẽ làm ra món uống ngọt hơn hiện giờ.
Giám đốc chắc chứ?
Tất nhiên, ông không thấy mọi người khoái ngọt cỡ nào à. Càng ngọt càng tốt!
Vậy ta sẽ đặt tên nó là gì?
(Suy nghĩ hồi lâu, viết viết, vẽ vẽ). Tôi gọi nó là Coca mới.
Wow, giám đốc thật là sáng tạo.
Sau khi tìm ra công thức mới thay thế cho công thức cũ giúp Coca ngọt hơn, hãng mời khách hàng ngẫu nhiên đến uống thử, mỗi người một ly. Kết quả đánh giá: Ngon. Hầu hết mọi người đều đánh giá cao thứ thức uống này. Thế là ban giám đốc tức tốc lên kế hoạch ra mắt khám phá mới của họ, đi kèm một quy mô marketing lớn chưa từng có.
"New Coke" nhanh chóng trở thành thảm hoạ, không chỉ bởi chiến dịch marketing, tiếp thị, mà còn bởi lý do cơ bản nhất: ai nấy đều cho rằng thứ nước mới này dở hơn Coca cũ.
Tại sao vậy?
Lý do là bởi vì các khách hàng yêu quý của Coca Cola chả hành động như lúc thử nghiệm. Chẳng ai nói rằng: "Ôi Coca mới ngon quá, mình chỉ uống một ly thôi." Thực tế là họ nốc một lúc cả lon, gọi ly size lớn hơn để uống cho đã khát, hay khui luôn chai 3l để tiệc tùng cùng bạn bè. Và khi uống nhiều hơn, người ta mới nhận ra là: nó quá ngọt, ngọt quá đâm ra khó chịu.
Coca đã phạm phải một sai lầm cơ bản, nhưng đem lại hệ quả nghiêm trọng. Họ cho rằng khách hàng uống một ly thấy ngon, thì uống cả chai cũng sẽ thấy ngon. Và họ đem sai lầm trong thử nghiệm thành tiền đề cho sản xuất.
Làm sao để tránh khỏi tư duy phóng đại?
Ta phải nhìn toàn cảnh sự việc, hiện tượng. Kinh nghiệm bản thân không phải không đáng quan tâm, nhưng kinh nghiệm bản thân chỉ là một góc nhìn nhỏ trong toàn thể sự vật, hiện tượng. Ta cần tổng hợp trải nghiệm cá nhân của nhiều người khác nhau để có một góc nhìn bao quát về sự vật, hiện tượng.
Tư duy nhị nguyên
Hay còn gọi là tư duy bóng đèn. Tại sao là bóng đèn? Vì chức năng của bóng đèn rất đơn giản, nó chỉ có hai trạng thái sáng hoặc tắt. Đặc điểm của tư duy này là lối diễn giải tuyệt đối: có A thì không có B và ngược lại, A và B không thể xảy ra cùng lúc, và không có gì nằm giữa A và B. Thuật ngữ tiếng Anh chỉ kiểu tư duy này là (binary thinking) hay (black and white thinking). Hoặc trắng, hoặc là đen, còn 50 sắc thái xám ở giữa thì lơ đi.
Chuyện 1
An: Tại sao người ta ăn nói thô lỗ như vậy nhỉ? Cứ thấy người khác bị mụn là bu vô hỏi: "Ôi sao lắm mụn thế, lại thức khuya tương tư ai nào?"
Bình: Ơ, có mụn thì nói mụn, chả lẽ bảo da láng? Nói ra thì bảo thô, không nói thì bảo nịnh.
Chuyện 2:
An: Tui thích con trai đọc sách ghê, họ có vẻ tri thức, hiểu biết nhiều.
Bình: Nói vậy là sao, chả lẽ con trai không đọc sách là ngu dốt, kém hiểu biết?
Tư duy như kiểu anh Bình vừa vô duyên, vừa là tiêu biểu cho kiểu tư duy nhị nguyên. Như trong ví dụ 1, ảnh chỉ suy nghĩ được 2 kiểu: nói thật (da mụn), nói dối (da láng). Ảnh hoàn toàn bỏ qua vấn đề thứ ba: không bàn về chuyện tế nhị đó.
Trong trường hợp 2, ảnh mặc định chỉ có 2 trường hợp:
Đọc sách = tri thức, hiểu biết
Không đọc sách = thiếu hiểu biết
Nếu muốn phản biện, ảnh có thể nói: Có những người đọc sách mà vẫn không phải trí thức, hiểu biết kém vậy.
Tư duy nhị nguyên rất đơn giản, nó khiến bạn nhìn đời càng đơn giản hơn. Nhưng cuộc đời có đơn giản bao giờ? Có những người áp dụng lối tư duy này cho những vấn đề lớn như cưới xin, xin việc, giải pháp sales, nên cuộc sống của họ lại lâm vào bế tắc.
Bạn có câu trả lời cho mình chưa?
Biên tập
Nguồn: Huskywannafly, Một số lỗi tư duy khiến cuộc sống của bạn khó khăn, Spirum, tháng 4 năm 2017.
Kiến thức là để sẻ chia, đã vậy còn free!
Nút share ở đây👇
Comments