top of page

Nghĩ | Vì sao tin giả "hút" vậy?

Điều gì khiến ta cuốn vào các tin tức giả mạo, các trò lừa gây chệch hướng dư luận? Và làm sao để sáng suốt hơn trong việc chọn lọc chuyện gì nên chia sẻ?

"Người quen" trên Facebook của bạn tiết lộ cho bạn "một số thông tin mật" mà "người quen của người quen" họ trong ngành y bật mí. Khí thế "trách nhiệm với cộng đồng" dâng cao trong bạn, và bạn quyết định chuyền (forward) ngay những thông tin này cho bà con, bạn bè trong các group kín của mình. Dụng ý của bạn hết sức trong sáng: không phải ai cũng được tiếp cận những thông tin "thiết thực" này như tui. Tui phải giúp toàn dân nâng cao cảnh giác. Chỉ có điều, bạn không thể biết những thông tin sẽ được truyền đến ai, và họ sẽ phản ứng như thế nào. Bản thân bạn cũng không hề có ý định kiểm chứng lại thông tin mình vừa nhận được.


Đây là một trong những câu hỏi được tìm kiếm nhiều nhất trên Internet khi Covid vừa bùng phát:

  • Nếu tui nín thở được 10 giây mà không ho hay khó chịu, là tôi thoát phải không?

  • Có thẻ uống whiskey để diệt virus không?

  • Nắng gắt có bảo vệ tui khỏi Covid-19?


Tin giả giờ tinh vi hơn bạn tưởng. Từ tin vịt để lôi kéo sự chú ý, các mưu đồ lớn hơn về kinh tế, chính trị cũng núp dưới bóng tin giả để tận dụng sức mạnh của sự lan truyền. Giả dụ như việc tung tin đồn về chất cấm có trong thực phẩm để hạ bệ đối thủ cạnh tranh, rồi tung các sản phẩm "xịn và sạch" để trục lợi trên nỗi sợ của bà con. Giả dụ cao siêu hơn là âm mưu của Nga gieo rắc tin đồn qua mạng xã hội nhằm tác động đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.



Tại sao vậy?

Các nhà tâm lý học và khoa học không ngừng cố gắng để lý giải tại sao ta lại có xu hướng cuốn vào những thông tin giả mạo. Dưới đây là các nguyên nhân chính.


⏤ ♣︎ ⏤



01 - Thiên kiến xác nhận (Confirmation bias)


Thiên kiến ám chỉ xu hướng chọn lọc và xử lý thông tin đầy thiên vị để ủng hộ điều mình tin. Nếu không hiểu những thành kiến (bias) cố hữu trong đầu mình, ta dễ dàng xuôi theo tin giả, miễn là nó "chọt" trúng chỗ ta tán thành. Ngược lại, thiên kiến cũng giúp ta nâng cao cảnh giác, đề phòng và ngờ vực dành cho những vấn đề mà ta không tin, không thích. Trong một số tình huống, thiên kiến giúp ta vén màng ngụy trang của tin giả. Ủng hộ những thiên kiến của bản thân chẳng khác nào đi ngược lại căn thức của tư duy phản biện.


Tư duy bè phái

Tư duy bè phái, tư duy tập thể cũng có thể được xem là một biến tướng của thiên kiến, nôm na là ra sức suy luận để "hợp lý hoá" một vấn đề theo góc nhìn ý thức hệ của mình.

Thử tưởng tượng trái gió trở trời, con bạn ho hen vài tiếng. Bạn tức tốc xếp đồ để đưa con nhập viện, trong khi ông bà thì hớt hải ra vườn hái lá. Kết quả là bạn và phụ huynh cự cãi cả ngày về bệnh tật, hệ thống lý luận, phòng bệnh, chữa bệnh,... trong khi người thì chịu ảnh hưởng của Tây Y hiện đại, người tin tưởng vào giá trị Đông Y cổ truyền.

Một bài bình luận trên tờ New York Times đã dẫn ra những số liệu trong nghiên cứu của giáo sư luật Dan Kahan và cộng sự năm 2012. Họ cho rằng những đảng viên càng thông thái càng tạo ra chia rẽ chính trị lớn về vấn đề biến đổi khí hậu ở Mỹ.


Các đảng viên Dân chủ có khả năng phân tích chuyên sâu thì cố tự thuyết phục mình rằng biến đổi khí hậu là một vấn đề nghiêm trọng, trong khi giới trí thức của đảng Cộng Hoà phản biện ngược lại. Càng thông minh, người ta càng dễ diễn giải và hợp lý hoá quan điểm của mình. Giáo sư Kahan cũng nhận kết quả tương tự khi lấy ý kiến về việc kiểm soát súng đạn ở Mỹ, phản ánh khuynh hướng đảng phái ảnh hưởng mạnh trong cách ngườin Mỹ nhìn nhận và đánh giá thông tin.

Những thiên kiến khác còn có thể bắt nguồn từ hệ thống giáo dục, môi trường sống, tôn giáo và văn hoá đã ăn sâu và tạo nên đức tin của mỗi chúng ta.
 

02 - Nhắm mắt nghe lời


Ta đọc tin tức để nắm thông tin về một việc mà ta không thể tận mắt thấy, tai nghe. Đó là lý do ta trông cậy vào các cơ quan báo đài, truyền thông, và cả những người "mớm" thông tin cho ta. Nhưng không thể lúc nào cũng soái cổ nghe theo, mà cần kiểm chứng lại.


Kiểm chứng sao mới được?

Kiểm chứng là bật chế độ nghi ngờ, đánh giá nhận định của tác giả và nguồn được trích để dẫn chứng cho nhận định đó. Lâu lâu rảnh cũng cần kiểm chứng các giai thoại (anecdotal) và thứ người người nhà nhà mặc định là đúng (common belief). Tìm rõ ngọn nguồn, đánh giá độ uy tín của người viết, nhà xuất bản, website. Có cả một danh sách dài những gạch đầu dòng phức tạp hơn để ta tự thẩm định mức độ đáng tin của một thông tin. Đây chỉ là 03 điểm mà ai có smartphone cũng làm được. Nhưng thường chẳng ai làm.


Cũng phải nói thêm, ta chỉ thực sự nghiền ngẫm và phản biện với điều mà ta quan tâm (đọc thêm về decision fatigue [Baumeister, 2013]cognitive load [Sweller, 2010]). Nếu anh chị chẳng quan tâm gì về tài chính doanh nghiệp hay start up, anh chị chẳng bỏ thì giờ ngồi mò mẫm những số liệu mà người chơi Shark Tank đang đưa ra để dẫn dụ nhà đầu tư đâu.

 

03 - Thiếu kiên nhẫn


Cứ cho là anh chị quan tâm đi, anh chị vẫn dễ mắc phải xu hướng "tiêu thụ thông tin hiện đại". Ta của thời điểm hiện tại luôn sống trong tình trạng "thừa thông tin" (surplus of information [Dwyer, 2017]). Ta chẳng đọc mọi thức được bày trên Newsfeed Facebook đâu.


Tại sao ta lười, thiếu kiên nhẫn, chỉ muốn "tiêu" thông tin nhanh như kiểu mỳ ăn liền vậy? Bởi vì ta được mồi chài để hành xử như vậy. Bối cảnh sống đang thay đổi hành vi của ta. Nếu như trước đây, ông bà, cha mẹ anh chị đợi hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng để được đọc lỏm mẫu tin trên báo, trên đài, TV nhà hàng xóm. Giờ đây, ta chỉ cần gõ một vài ký tự vào điện thoại, dù trên bàn ăn hay trong toilet, mọi thứ được dọn sẵn, từ đủ nguồn, kể cả những nguồn tin đầy cạm bẫy mà anh chị không ngờ tới.

Vậy kiến thức là có thật nhiều thông tin hay biết nên làm gì với chúng?

Trên mạng xã hội, ta chỉ lướt và lướt. Nếu người ta muốn lôi kéo sự chú ý của anh chị, họ sẽ nói lố một xíu để thông tin trở nên thú vị hơn. Đây là lý do từ "giật tít", "câu like" ra đời. Tít càng giật gân, nhiều người càng hồ hởi nhấp vào.

Cách đây chục năm có một tít báo giật: "Dép lào gây ung thư". Mà thực chất nội dung bài viết nói chỉ bàn chuyện nếu để da tiếp xúc trực tiếp lâu dưới ánh nắng mặt trời mà không có biện pháp bảo vệ, khả năng cao dẫn đến ung thư. Mà dép lào là món đồ để "lộ" da nhiều nhất... Dựa vào logic của cái tít này, tôi tự hỏi "liệu hói đầu cũng gây ung thư?". Nếu cái tựa bài viết là "Hãy bảo vệ làn da bạn khỏi ánh nắng mặt trời" thì chắc chẳng ai buồn nhấp vô xem. Tôi cũng vậy.

 

04 - Lười nhận thức

Con người vốn lười về mặt nhận thức (cognitively lazy [theo Kahneman, 2011]). Não chúng phát triển theo hướng để "để dành" năng lượng cho "những việc quan trọng". Ta phó mặc cho các quyết định trực giác, chấp nhận giải pháp kém lý tưởng (satisficing [Simon, 1957]). Liệu những gì ta "tin" dựa vào nguồn thông tin ta tiếp nhận mỗi ngày có ảnh hưởng đến cuộc sống của ta? Có, hoặc không,... chẳng quan trọng. Thế là ta bỏ qua những hoạt động đánh giá, tự phản biện. Ta chỉ thực hiện một bước xử lý thông tin rất "tối giản" là chấp nhận luôn cái kết luận mà chưa chắc đúng. Cũng là cách mà ta nghe theo những tin giả.

 

05 - Cảm xúc lấn át


Một trong những rào cản lớn nhất của tư duy phản biện (critical thinking) là cảm xúc, bởi cảm xúc là điểm mù, khiến mọi thứ trở nên phi lý. Khi một người suy nghĩ bằng cảm xúc, họ dựa trên bằng cớ do trực giác, "linh tính mách bảo" (gut-level intuitive reasoning). Những bằng cớ này tạo ra do cảm xúc hay kinh nghiệm liên quan tới cảm xúc – trái ngược với bằng chứng dựa trên số liệu. Tin giả, hay truyền giáo (propaganda) có tác dụng bởi nó phóng đại những cảm xúc sợ hãi, tức giận ở người đọc. Anh chị càng dễ xúc động, thiếu sáng suốt, càng dễ cuốn vào tin giả.

 

06 - Nhồi sọ


Hiệu ứng sự thật ảo tưởng (illusory truth effect) ý chỉ tình trạng ta dễ chấp nhận một thông tin hơn khi ta được nghe nó nhiều lần. Khi bạn đọc càng nhiều bài viết chứng tỏ mối quan hệ giữa hai thứ dù chẳng liên quan, não bạn lại hình thành một mối liên kết giữa chúng. Dù rõ ràng hai thứ đó chẳng có quan hệ nhân-quả gì với nhau, việc cố bóc mẽ nó cũng chẳng được việc gì.


Thử tưởng tượng bạn được "nhồi sọ" một thông tin lặp đi lặp lại, mà chẳng có ý định phản kháng, bạn sẽ định hình mối quan hệ của nó. Rồi kể cả khi được đưa ra bằng chứng bác bỏ, thông tin sai lạc vẫn nằm trong đầu bạn, và ảnh hưởng đến cách bạn nghĩ trong những bối cảnh liên quan tương lai.

 

07 - Áp lực xã hội


Lý do cuối cùng, cũng là lý do gây ảnh hưởng to lớn nhất và bao hàm rất nhiều chủ đề nhỏ liên quan. Cuốn How to Make friends and influence people [Carnegie, 1936] là một trong những cuốn sách bán chạy nhất. Nó đào sâu vào sự ảnh hưởng của xã hội, cũng như những áp lực mà xã hội mang lại. Liên tưởng tới cách ta dùng mạng xã hội: Nếu ai đó nói gì làm bạn chướng tai, gai mắt, bạn unfollow người đó, unfriend, thậm chí là report, khi mức độ khó chịu tăng lên.


Chính trị và quan điểm xã hội không có sai hay đúng, nó vận hành dựa trên niềm tin điều gì nên làm. Bởi lẽ đó, nền giáo dục của bạn, hay môi trường làm việc cũng tạo ra những thiên kiến đang đè áp lực lên bạn, để thay đổi cách nghĩ theo đa số. Chúng ta và bọn họ, chúng ta khác họ, ta suy nghĩ đúng, họ sai. Chúng ta là thành phần đa số trong một nhóm thiểu số.


Nhưng đa số mọi người đều nghĩ vậy không có nghĩa là nó đúng. Ai cũng có cách lý giải hợp tình của họ. Ta chỉ tách biệt sự thật và tin giả, ta không đánh giá ai đúng, ai sai. Nhận ra mình đang ở trong xã hội thế nào, nền chính trị, và môi trường thế nào sẽ giúp ta nhận ra những áp lực nào ảnh hưởng đến niềm tin của ta dành cho sự thật hay sự giả dối.


 

Biên dịch

Nguồn:


Kiến thức là để sẻ chia, đã vậy còn free!

Nút share đây nè👇

1,144 views
bottom of page