top of page
Nhu Tong

Trì hoãn – chữa được không?


Nguyên văn bài viết "Good & bad procrastination" của tác giả yêu thích Paul Graham. Bài viết được biên dịch, có xào lại thứ tự để dễ đọc và nêm thêm một số ví dụ gần gũi để dễ tiêu hoá hơn. Mời các bạn!


⏤ ♣︎ ⏤

Trì hoãn xịn và trì hoãn dỏm

"Phần lớn những người có cuộc đời huy hoàng nhất mà tôi quen biết đều mắc bệnh trì hoãn. Vậy nếu tôi nói trì hoãn chưa chắc xấu, có ai phản đối không?"


Trì hoãn là khi bạn lờ đi một chuyện cần làm bằng cách đâm đầu làm thứ khác. Những ai đã vô tới đây để đọc, tôi tin rằng bạn cũng đã đủ ngợp với hằng hà sa số các bài chia sẻ, blog (không chừng có cả bài SEO) đòi dạy bạn cách ngừng trì hoãn. Nếu ta nhìn thẳng vô bản chất của "sự trì hoãn" chẳng phải luôn có hàng trăm thứ bạn muốn và tính hay sao? Mỗi khi bạn chọn làm một việc, tức là bạn đã trì hoãn những thứ còn lại rồi đó. Nên làm gì có cách tránh hay trị, ta chỉ có thể tập để trì hoãn một cách có lợi hơn thôi.


Trì hoãn cũng có nhiều kiểu: (A) không làm gì; (B) làm thứ ít quan trọng hơn hoặc (C) làm thứ quan trọng hơn, miễn là bạn né làm được một số chuyện.


Tới đây, bạn sẽ bật cười vì "cũng có người trì hoãn để làm những thứ quan trọng hơn"? Để minh hoạ cho kiểu trì hoãn này, ta thử tưởng tượng tới những nhà bác học, giáo sư lúc nào cũng xuất hiện trong trạng thái "não đi vắng". Họ có thể bước lên bục giảng mà quên cạo râu, ủi đồ; rồi cắm rễ ở bàn làm việc tới mức quên ăn; và lúc nào cũng có vẻ trầm ngâm, suy nghĩ về điều gì đó. Tâm trí họ đi vắng khỏi việc thường nhật để nhường chỗ cho một việc quan trọng hơn: đi tìm lời giải cho những câu hỏi lớn trong đầu họ.


Đây cũng là ý tôi khi nói những người thành công nhất tôi thường gặp là những chuyên gia trì hoãn. Họ thuộc kiểu (C), bỏ qua những công chuyện lặt vặt để làm chuyện lớn.


 

Việc ra sao gọi là lặt vặt?

Thử tưởng tượng tới ngày bạn không còn trên đời nữa, còn đứa cháu cưng đang ngồi viết cáo phó về cuộc đời huy hoàng của bạn. Tất tần tật những thứ không được nhắc tới như cạo râu, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, viết thiệp, chat, coi Youtube đều được tính là chuyện lặt vặt. Trừ phi đó là công việc giúp bạn kiếm tiền, hoặc chuyện bạn giỏi thứ hai không ai thứ nhất thì bạn hiểu ý tôi khi nói về "việc lặt vặt" chứ?


Trì hoãn xịn là bỏ qua những chuyện lặt vặt để làm công chuyện thực sự.

P/s: Những việc linh tinh như trả lời tin nhắn sẽ trôi qua nếu bạn không làm (tình bạn có khi cũng trôi theo). Còn những chuyện như tắt nước, cắt cỏ, hay đóng tiền điện sẽ không trôi đi bình yên nếu bạn bơ nó. Hãy tỉnh táo để cân nhắc tính cấp bách và quan trọng của các việc này, đẹp nhất là xử nó liền, ngay và luôn.


 

Nghiện bận rộn

Bận rộn là một vỏ bọc đầy tinh vi của trì hoãn. Lý do mà ta luôn nghiện cái cảm giác bận rộn thay vì tập trung làm chuyện quan trọng là bởi chuyện quan trọng luôn đòi hỏi 2 thứ: một là "thời điểm vàng"; hai là "đúng mood". Vì chuyện quan trọng cần một lộ trình dài hơi, nên bạn luôn đợi một thời điểm vàng để bắt đầu. Rồi cuối cùng thành ra bạn không làm.


Trì hoãn là cái cớ tuyệt vời để "bóp cổ" những dự án vĩ đại từ trong trứng nước. Có những người mơ về việc để lại cho đời một cuốn tiểu thuyết, nhưng rồi họ "mắc đi lau nhà đột xuất". Những người ôm mộng đó không thất bại vì ngồi hàng tiếng trên bàn mà không nặn được chữ nào. Họ thất bại vì bận dỗ con khóc, cho mèo ăn, lướt điện thoại mua đồ, tân trang nhà cửa, hẹn bạn cafe, check email, vân vân và mây mây. "Tui không có đủ thời gian." Đúng, họ luôn đảm bảo lịch trình của mình kẹt cứng thay vì đặt bút xuống viết mà.


Một lý do khác tui cũng thường được nghe là: "Tui không có chỗ phù hợp để làm việc." Hãy để tôi dắt họ tới cái kho đã khai sinh ra start up vĩ đại nhất mọi thời đại.






Mời bạn đoán tên start up này nhé!






Từ khi nhận ra điều này, tôi bắt đầu để ý và nhận ra những lời biện hộ của sự trì hoãn (Phải thú thật là 1/3 trong số đó là lời tự thân tôi phát ra.) Tôi cũng thử đủ cách để ngừng trì hoãn trong suốt 20 năm qua, và thú thật không phải lúc nào tôi cũng chiến thắng. Có những ngày tôi làm công chuyện thực sự. Cũng có ngày tôi làm chuyện lặt vặt lay lắt cho hết ngày. Mỗi khi đụng vấn đề khó, tôi lại để mình cuốn theo những việc lặt vặt.


Kiểu trì hoãn nguy hiểm nhất là kiểu B vì lúc đó bạn ta không biết mình đang trì hoãn. Bạn cũng hoàn thành rất nhiều việc, chỉ là không đúng việc. Nếu ai đó khuyên bạn hãy đánh bại cơn trì hoãn bằng một cái to-do list, cũng còn tuỳ bạn list cái gì trong đó. Mọi khái niệm chỉ mang tính tương đối.


 

Tìm ra "việc quan trọng" của bản thân

Thử tưởng tượng bạn được đắm chìm trong một dự án thú vị. Với tất cả sự hứng thú và nhiệt tình, bạn dành ra 03 ngày trời ăn, nằm, ngủ, nghỉ với nó và hoàn thành nó. Khi dự án kết thúc, bạn quay về nhà và đối mặt với mớ lộn xộn do 03 ngày chinh chiến đó để lại. Cơ thể bạn có thể rã rời. Dọn dẹp đống lộn xộn có thể tốn gấp đôi thời gian so với việc bạn vừa dọn vừa làm, nhưng hiệu ứng tích cực từ những ngày làm việc hiệu quả đó sẽ khiến bạn thấy yêu đời hơn.


Trong tiểu luận nổi tiếng của Richard Hamming - You and Your Research (Yeah. Tôi khuyến khích những ai có tham vọng nên tìm đọc thử), ông khuyên ta nên luôn tự hỏi mình 03 câu sau:

  1. Đâu là những vấn đề lớn nhất trong lĩnh vực của bạn?

  2. Bạn có từng hay dự định nhúng tay vào các việc đó không?

  3. Tại sao vậy?

Ba câu hỏi của Hamming vô tình chọt trúng tim đen nhiều người, trong đó có tôi. Đây là một trong những kiểu câu hỏi mà chúng ta luôn muốn né. Thành thật mà nói, những ai có chí hướng nên một lần tự hỏi mình câu này. Hamming hỏi bản thân những câu này khi ông đang làm việc ở Bell Labs. Tôi rút gọn 03 câu hỏi lớn của Hamming trong một câu để bạn bắt đầu chiêm nghiệm: Điều tốt nhất mà bạn có thể tạo ra là gì, và tại sao bạn chưa làm nó?


Đừng suy nghĩ cao xa quá. Không phải ai cũng có thể làm nên kỳ tích, nhưng bạn có quyền, thời gian và điều kiện để làm ra những thứ tốt nhất trong lĩnh vực của mình. Nếu bạn cho rằng khả năng của mình chỉ ở cỡ này, điều kiện của mình chỉ có nhiêu đây, thì tôi nói thẳng: sẽ luôn có cách. Nếu bạn đang không đi trên con đường tạo ra thứ có ích nhất trong lĩnh của bạn, bạn cũng chỉ đang loay hoay ở kiểu trì hoãn B, dù bạn có gạch được bao nhiêu việc trong cái danh sách của mình.


Với tham vọng chất đầy thuyền, bạn có thể câu được một con cá lớn. Và hãy bắt tay thực hiện, làm nhiều hơn là chỉ ngồi tăm tia những con cá lớn. Khi tìm được dự án tiềm năng, hãy dấn thân để biến nó thành hiện thực. Hãy chọn cách phù hợp với mình rồi cứ thế mà tiến tới. Dù bạn bắt đầu từ những gạch đầu dòng nhỏ nhưng sau này sẽ dẫn tới mục tiêu lớn. Hãy nhảy vào chinh chiến với những vấn đề hóc búa; hãy tìm người đồng hành.


Miễn là bạn đang chủ động đưa con thuyền của mình về đích bằng chiếc chèo của đam mê, thay vì để nó trôi lềnh bềnh theo dòng nước. Cứ chèo theo nhịp điệu của riêng mình, rồi bạn sẽ biết cách thả bớt xuống nước những thứ cần trì hoãn.


 

Biên dịch

Paul Graham

Nguồn bài viết: Good & Bad Procrastination (http://www.paulgraham.com/procrastination.html)


Kiến thức là để sẻ chia, đã vậy còn free!

Nút share ở đây👇
























375 views

Comments


bottom of page