top of page

Nuôi dưỡng sự tự tin

Dù ở thời điểm yên bình, ít sóng gió nhất, ta vẫn đôi lần "đánh rơi" tự tin. Huống hồ giữa tình thế đầy biến động như hiện tại, thứ mà ta phải diện kiến và làm bạn mỗi ngày là sự mông lung, ngày một biến tướng. Dù bạn nhiều kinh nghiệm và kiến thức đến mấy, khó khăn trong công việc luôn chực chờ.


Xét lại thì khó khăn cũng là thời điểm thích hợp để ta đứng lại và chiêm nghiệm sự tự tin trong mình, xem nó đang bị những ý nghĩ đầy tiêu cực và nghi hoặc vùi lấp như thế nào. Dưới đây là những lời khuyên từ người thật việc thật, để bạn nhìn lại nội tâm mình, biến những hoài nghi trong bạn thành đòn bẩy cho năng lực thay vì một thế lực vô hình đang nuốt chửng nó.


⏤ ♣︎ ⏤


1. Giữ vững lập trường

Sự ngờ hoặc về bản thân (self-doubt) có thể ngấm ngầm len lỏi vào cách ta nhìn nhận mọi thứ. Khiến ta xem sự “yếu kém” của mình là một đặc điểm bất di bất dịch, thay vì một trạng thái và cảm xúc ngay hiện tại, như nó vốn dĩ. Qua những chia sẻ và “trải lòng” cùng bạn bè, đồng nghiệp, tôi biết rằng đây là chuyện không của riêng ai.


Khi cảm thấy bản thân quá bất an trong một tình huống nào đó, tôi sẽ dừng mọi thứ đang làm và rà lại suy nghĩ trong mình. Một cách khách quan nhất có thể. Kiến thức cơ bản về vấn đề tôi có là gì? Các kỹ năng vận dụng trong dự án trước là gì? Kiến thức nền tảng của tôi về vấn đề có thể thiếu, nhưng những kỹ năng giúp sẽ giúp tôi nởi dần khoảng cách đó một cách nhanh chóng.


Kinh nghiệm của tôi là hãy tập hỏi bản thân những câu hỏi càng cụ thể càng tốt. Nếu vấn đề của bạn là công việc, thay vì cố gắng lục lọi mọi kỹ năng sống, vốn rất bao la và mơ hồ, hãy chỉ tập trung vào những kỹ năng làm việc. Kỹ năng bạn có đã đủ để giải quyết vấn đề trước mắt chưa? Nếu câu trả lời chưa, câu hỏi tiếp theo là tại sao.


Mẹ tôi là một trong những người phụ nữ tự tin nhất mà tôi từng biết. Dù vậy, mẹ cũng không thể tránh khỏi những lần đánh mất mọi niềm tin vào năng lực của mình. Đó là vào năm 1986, khi mẹ 30 tuổi và vừa được nhận vào làm thiết kế đồ hoạ cho Đài truyền hình San Francisco. Có hơn 100 người ứng cử vào vị trí của mẹ, đồng nghiệp toàn là nam, chỉ trừ sếp của mẹ.


“Lúc đó, mẹ rất sợ, vì mẹ là tay ngang, chỉ học qua một lớp thiết kế. Mẹ không biết gì về truyền hình. Nhưng mẹ may mắn gặp một người sếp tốt. Cô nói rằng mẹ được thuê vì kỹ năng thiết kế, và họ sẵn sàng dạy mẹ những thứ mẹ còn thiếu sót.”. Dù vậy, những ngày đầu không hề dễ dàng. Mẹ nản chí và mệt mỏi khi phải làm quen với mọi thiết bị, cách chèn đồ hoạ lên cảnh. Mẹ làm quần quật ở cơ quan, rồi lại ôm công việc về nhà, cặm cụi đến tận đêm. Mẹ phạm sai lầm, rồi học từ nó. Sau 3-4 tháng làm việc, mẹ biết nhiều và tự tin hơn. Công lớn nhờ vào sự tin tưởng mà sếp dành cho mẹ.


Không phải ai trong chúng ta cũng có cơ hội gặp mội người sếp lý tưởng như mẹ tôi. Vì thế, ta luôn cần trấn tĩnh mình trước khó khăn: Ta có thể không biết mọi thứ tại thời điểm này, không có nghĩa ta được an bày để thất bại. Nếu bạn được chọn, được thăng chức, được giao cho những thử thách mới, thậm chí là thứ vượt khỏi giới hạn của bạn, điều đó có lý do cả đấy.


Nữ diễn viên hài Sasheer Zamata từng chia sẻ với tờ New York Time: “Nếu một ngày, có một thứ hoàn toàn mới, một thứ mà tôi chả biết gì, một thứ mà tôi dở tệ, đến với tôi. Tôi vẫn tin mình đủ tốt và xứng đáng đạt được thứ đó. Không có lý do gì mà một thất bại nhỏ trong hiện tại làm tôi quên hết mọi kỹ năng và tài cán mình vốn có.”


 

2. Luyện tập

Chẳng có chuyên gia nào tài giỏi một cách bẩm sinh, mà không qua luyện tập bạn ạ. Cristina Alonso từng là một cô bé bị mê hoặc bởi nhũng nghiên cứu của ngành báo chí. Từ khi học cấp hai, cô đã dành hàng giờ để đọc và đắm chìm vào các chủ đề nêu trên mặt báo. Nhưng chuyện phỏng vấn và lấy tin là một chân trời khác. "Tôi từng ghét phỏng vấn, sợ những câu hỏi của mình ngu ngốc hoặc dễ đoán trong mắt người khác."


Vượt qua nỗi sợ không hề dễ dàng. Nhưng cô đã làm được điều đó bằng cách phỏng vấn thật nhiều. Ngoài công việc chính thức là phóng viên của tờ Leisure + Travel của Mexico, cô hiện có 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí. Càng phỏng vấn nhiều, cô càng tận hưởng quá trình phỏng vấn, thay vì chăm chăm bắt lỗi bản thân. “Tôi chẳng cần chứng minh là tôi sắc bén hay tàn cán nữa. Tôi chỉ xem cuộc phỏng vấn như buổi nói chuyện thông thường, để hiểu hơn về một ai đó, và để họ dẫn dắt tôi qua hành trình thành công của riêng mình.”


Nhiều người sẽ khuyên bạn: "Fake it until you make it". Theo tôi thì, hãy lăn xả cho việc bạn muốn chinh phục, bắt mình luyện tập nó mỗi ngày, kể cả khi bạn chưa 100% sẵn sàng. Kỹ năng sẽ đến khi bạn luyện tập đủ.


 

3. Đặt (thật nhiều) câu hỏi

Khi ta càng cố phớt lờ hay che đậy sự bất an trong mình, nỗi bất an lại càng lớn thêm. Khi bạn bất an, việc tự vấn mình cực kỳ khó. Nó giống cảm giác bạn bị ánh đèn sân khấu rọi vào mặt, trong khi bạn chỉ muốn tàng hình giữa đám đông. Câu hỏi là một công cụ vô cùng quan trọng. Bạn càng thoải mái với chuyện tự hỏi để cắt nghĩa vấn đề của mình, hoặc hỏi để nhận sự giúp đỡ, vượt qua vấn đề đó.


Là một phóng viên, tôi thừa nhận điều này. Trong những năm đầu mới đi làm, tôi cực kỳ ngại dừng câu chuyện của một ai đó để đặt câu hỏi, làm rõ một thứ tôi thấy mơ hồ. Sợ người đối diện thấy mình kém cỏi và ngu ngốc. Những nỗi sợ phù phiếm này sau đó quay lại và bộp cho tôi một đòn thật đau. Bạn không đưa ra nhận định đáng tin hay sáng suốt khi bạn còn chưa hiểu tường tận vấn đề. Càng phỏng vấn nhiều người, kỹ năng đặt những câu hỏi “cơ bản” của tôi càng được mài sắc. Tôi cũng ngừng câu chuyện, và làm rõ vấn đề một cách mượt mà hơn. Kỹ năng nhà nghề từ đó mà được rèn dũa và bồi đắp trong tôi mỗi ngày.


 

4. Tận dụng nỗi bất an

Ở chừng mực nào đó, cách bạn nghi ngại về bản thân cũng giúp bạn tiến bộ trong công việc và đời sống. Điều khó là giữ được sự khách quan (dù không ổn định) khi nhìn nhận yếu điểm của mình, thay vì xoáy sâu vào tuyệt vọng. Tiến bộ sẽ tìm đến khi bạn tập trung vào những kỹ năng, kiến thức mà mình còn thiếu hụt, và tìm kiếm lời khuyên, thông tin lẫn sự giúp đỡ cho những thứ bạn cần khắc phục.


Tôi nghĩ nghi ngờ bản thân là điều kiện cần để tốt hơn mỗi ngày. Tiến sỹ Kate Marvel, một nhà khoa học về khí hậu, và là nhà văn chia sẻ với tờ New York Times: “Khoa học vốn dĩ là đặt câu hỏi, là không hài lòng với bất cứ thứ gì.”


Óc phê bình không nhất thiết là kẻ thù của sự tự tin, mà là đòn bẩy để nâng cấp mình. Diễn viên Greta Lee chia sẻ: “Tự phê bình là đức tính quan trọng với cái nghề của tôi. Năng lượng có phần tiêu cực đó là cái mà tôi phải tập làm quen và sử dụng mỗi ngày.”


Với Alonso, khái niệm tự tin vốn dĩ phức tạp hơn cảm giác quyền lực hay làm chủ một tình huống nhất định. Tự tin về cốt lõi là “tin tưởng bản thân, tài năng, thế mạnh của bạn, và cũng là chừa cho bạn một khoảng để không ngừng học tập và phát triển." Khái niệm tự tin này buộc bạn phải chừa một vị trí cho sự nghi hoặc bản thân, để lắng nghe và học hỏi thay vì cố kìm nén nó.


 

Nguồn: 99U, Laura Entis — How to Be More Confident by growing more comfortable with self-doubt, 2020. 



bottom of page