top of page

Viết | Xử nội dung khó

Đây là mối lo chung của người làm nội dung. Nếu ai đó yêu cầu tôi kể lại câu chuyện tôi vừa chứng kiến hay thể hiện góc nhìn cá nhân về một vấn đề, điều đó không làm khó được tôi. Nhưng bảo tôi "đơn giản hoá" một kiến thức phức tạp, bao hàm nhiều giá trị cho một người đọc "tay ngang" cũng có thể hiểu được thực không dễ. Đơn giản hoá vấn đề không phải lúc nào cũng tốt, nhất là với vấn đề có bản chất phức tạp. Ta chỉ có thể trình bày nó khác đi, dễ "tiêu hoá" hơn.


Dưới đây là bài viết được lược dịch và hiệu chỉnh từ chia sẻ của Neil Patel. Neil là chuyên gia về nội dung và marketing. Những kinh nghiệm của Neil, tôi tin ít nhiều có ích cho bạn.


⏤ ♣︎ ⏤


Trong các lĩnh vực chuyên môn của Neil, từ marketing, hỗ trợ doanh nghiệp cho đến SaaS (phần mềm dạng dịch vụ – software as a service), nội dung bài viết thường phức tạp vô cùng. Nếu hành văn sơ sài, các nội dung bổ ích này dễ trở nên khó nhằn và nhàm chán với người đọc. Neli giải bài toán này như thế nào?


Dưới đây là 5 kỹ thuật cơ bản mà Neil Patel thường xuyên sử dụng, để người đọc có thể "tiêu hoá" nhiều thông tin nhất mà nội dung vẫn giữ được tính mạch lạc, logic và hấp dẫn.


 

1. Viết câu ngắn

Mỗi một chủ đề được triển khai từ nhiều đoạn văn. Mỗi đoạn lại được cấu thành từ nhiều câu, kết hợp và bổ sung cho nhau để diễn đạt một ý hoàn chỉnh. Ý này càng ngắn gọn, đơn giản thì người đọc càng dễ nắm được thông tin.


Dù đề tài của bạn là bài viết chia sẻ quan điểm cá nhân, nghiên cứu chuyên sâu hay thuần học thuật. Chìa khoá là hãy để ý độ dài của câu. Dưới đây là vài số liệu để bạn suy ngẫm:

  • 100% người đọc hiểu câu có 8 chữ

  • 90% người đọc hiểu câu có 14 chữ

  • Chỉ 10% người đọc hiểu câu có 43 chữ

"MISS" — Make it short and simple.

Thế làm thế nào để viết câu ngắn hơn? Tham khảo 3 mẹo này này nhé:

  • Dùng ít từ: Cầm bút lên và lược đi những từ thừa, không cần thiết.

  • Diễn giải ngắn gọn: Đọc đi đọc lại để đảm bảo bạn không diễn đạt dài dòng hay sắp ý lộn xộn

  • Ý đơn giản: Đừng tham nói quá nhiều ý trong một câu. Nội dung phức tạp cũng làm người đọc khó hiểu không kém gì câu dài. Mỗi câu một ý, thế thôi.


 

2. Dẫn dắt người đọc bằng câu hỏi

Bạn muốn người đọc dõi theo dòng suy nghĩ của mình? Hãy gợi mở suy nghĩ, và tưởng tượng về vấn đề trong họ, rồi giúp họ giải quyết vấn đề đó.


Thử đặt mình vào vai người đọc và dự đoán họ sẽ thắc mắc gì. Hãy thu hút sự chú ý của họ bằng câu hỏi, rồi gợi mở vấn đề bạn muốn nói. Khi viết bài viết này, tôi cũng tuần tự đặt ra các câu hỏi sau:

  • Làm sao để viết mội nội dung nhiều giá trị, tinh tế mà vẫn dễ hiểu?

  • Câu nên dài bao nhiêu?

  • Làm sao để viết câu ngắn hơn?

Câu hỏi trong bài viết đặt ra buộc người đọc phải suy ngẫm. Họ có thể không trả lời được ngay, nhưng ít nhiều họ cũng sẽ suy nghĩ về nó. Vậy là quá đủ. Việc độc giả suy ngẫm về câu hỏi của bạn thể hiện họ đang dõi theo dòng suy nghĩ của bạn. Cuối phần trình bày, hãy giúp họ trả lời những thắc mắc đó.


 

3. Dẫn số liệu từ nghiên cứu

Cách đơn giản để tăng tính thuyết phục của một lập luận là dẫn kết quả từ các nghiên cứu. Ví dụ để dẫn chứng các nội dung trong bài viết này, tôi có thể dẫn nội dung từ nghiên cứu của Hiệp Hội Đọc Sách Quốc Tế (The International Reading Association). Độc giả có thể chẳng đi kiểm chứng thôn tin đâu, nhưng câu “Một nghiên cứu chỉ ra rằng” đủ khiến họ có căn cứ để tin điều bạn muốn nói.


Dẫn chứng và tóm tắt các nghiên cứu, báo cáo là cách tác động dễ và trực tiếp đến người đọc, tạo sự tin cậy từ phía họ. Dẫn chứng còn đảm bảo người đọc của bạn có được những thông tin thực sự có giá trị.

 

4. Chọn lọc từ ngữ

"Theo nghiên cứu", sử dụng từ đơn giản, ngắn và phổ biến là cách tăng độ tin cậy của bạn. Nhưng trong các bài viết học thuật, chuyên ngành, việc sử dụng các từ ngữ gốc, từ dài và từ ghép là không thể tránh khỏi. Quan trọng là làm sao dùng những từ này dễ hiểu.


Tận dụng bối cảnh

Dù người đọc không thể hiểu chính xác định nghĩa của một từ nào đó, nhưng họ có thể dựa vào bối cảnh đoạn văn để đoán được ý của từ. Ví dụ: “Hãy chắc chắn là nội dung WordPress của bạn đã được sao lưu hạn chế tối đa các rủi ro có thể xảy ra”. "Sao lưu" không phải là từ phổ thông, nhưng người đọc có thể hiểu hành động đó được thực hiện để tránh thiệt hại.


Viết cho ai

Hãy quan tâm đến người đọc của mình là ai và linh hoạt chọn ngôn ngữ phù hợp. Nếu viết cho dân tài chính, bạn có thể sử dụng trực tiếp các thuật ngữ như " bút toán" mà không cần phải giải thích bằng ngôn thông thường.


Dùng từ đơn giản

Khi đứng giữa hai lựa chọn, hãy chọn từ nào ngắn và dễ hiểu hơn. Những từ “cao siêu” khiến bạn có vẻ thông minh hơn nhưng không phải lúc nào cũng truyền tải và kết nối với người đọc hiệu quả.


Phá vỡ một số nguyên tắc về ngữ pháp

Bạn có để ý thấy một số nguyên tắc về ngữ pháp không được áp dụng trong bái viết này hay không? Cậu không hoàn chỉnh, câu đặc biệt,… và sẽ có rất nhiều các nguyên tắc về ngữ pháp khác nữa. Vấn đề là không phải tác giả không biết về ngữ văn nhưng tác giả cũng hiểu rõ về sự hiệu quả trong giao tiếp khi ngữ pháp không còn được đặt nặng. Nếu cần bạn có thể phá vỡ một hay hai nguyên tắc ngữ pháp nào đó để làm cho nội dung bài viết rõ ràng hơn. Việc này tăng hiệu quả giao tiếp, hạn chế đi việc độc thoại một chiều trong các bài viết của chính bạn.


Trên đây là những kỹ thuật viết bài của Neil Patel. Bạn đang sử dụng những mẹo nào để khiến cho nội dung bài viết của bạn dễ hiểu hơn?


 

Nguồn: Hubspot, Neil Pater — How to write high-level blog posts that don’t overwhelm your readers, 2015

bottom of page