top of page

Viết | Dịch văn và văn dịch

Bạn có bao giờ háo hức cầm trên tay quyển truyện dịch mới cóng, nhưng chỉ lướt được vài trang thì đành lòng đóng lại vì "đọc thấy sượng sượng." Bạn có định nghĩa được "sượng" là sao không?


Môi trường làm việc hiện đại đòi hỏi bạn và tôi, dân viết chuyên lẫn không chuyên, phải thông thạo cả tiếng Anh lẫn tiếng ta, lại phải thường xuyên hoán đổi hai thứ tiếng này. Đôi khi quá trình hoán đổi không được mượt mà như ta dự định. Dịch văn bạn sang tiếng ta không thoát nghĩa đã đành, dụng văn Tiếng Việt cũng nghe "sượng" như văn dịch.


Nếu bạn muốn hiểu sự "sượng" tôi nói đến ở đây là gì, tham khảo đoạn trích từ nhà văn Hồ Anh Thái, trong Tạp chí Thể thao & Văn hoá cuối tuần [Số 23] Ngày 5 tháng 6 năm 2015 nhé.


⏤ ♣︎ ⏤


Trong đời sống hàng ngày, khi nghe một câu nói hơi khách sáo, hơi khách khí, hơi trịnh trọng, hơi chỉnh đốn thành phần chủ vị, hơi sách vở, người ta thường bình: giống như văn dịch.


Văn dịch đồng nghĩa với những gì không tự nhiên.

Hầu như mới chỉ có vài ba dịch giả có thể chuyển dịch được văn bản nước ngoài bằng một thứ tiếng Việt tự nhiên, sinh động, có cảm giác đấy là do chính dịch giả vung bút viết ra, chứ không hẳn là biên dịch.


Có người sẽ phản bác cách dịch này mà cho là vẫn phải giữ hơi hướng văn dịch, để người đọc luôn nhớ rằng họ đang đọc sách dịch. Nhưng điều ta muốn nói ở đây là hầu như các dịch giả vẫn còn nghèo tiếng Việt, và trong văn bản dịch họ không thể bơi lội vẫy vùng như cá trong nước. Ngôn ngữ họ dùng vẫn là ngôn ngữ giản đơn, khô cứng, sách vở, thiếu sinh sắc. Như thể họ vẫn thường xuyên loay hoay bùng nhùng trong tấm lưới của bản gốc.


Ta thường gặp những câu văn dịch theo kiểu: Bà ta đứng trước tôi.

Dịch bám sát thì vậy, nhưng tiếng Việt nghe cho xuôi thì cần thêm một chữ: Bà ta đứng trước mặt tôi.

Cũng thế là câu: Hãy nói cho tôi anh đang đi đâu?

Lại cũng nên thêm một chữ: Hãy nói cho tôi biết anh đang đi đâu? (Có thể nói thêm: vào tiếng Việt thì cũng nên bỏ luôn cả cụm từ Hãy nói cho tôi biết)

Bản gốc không có chữ mặt, cũng không có chữ biết, nhưng khi Việt hóa thì lời ăn tiếng nói của người Việt là có.


Báo chí bây giờ quen đưa nguyên xi một câu tiếng Anh: Tại sao không? (Why not?).

Cùng nghĩa ấy, Việt hơn thì phải là: Sao lại không? Nghe cũng sinh động hơn đấy chứ.


Tôi nhớ một cuốn sách có hai bản dịch tiếng Việt. Cùng một câu, có hai cách dịch thế này:

- Cuối cùng cô giáo đã chọn nhóm của chúng tôi để biểu dương. Thật tuyệt vời.

- Cô giáo rốt cuộc chọn nhóm chúng tôi mà khen. Sướng thế.

Câu trên là của một người dịch thông thường. Câu dưới là do một nhà văn kiêm dịch giả thực hiện. Chữ sướng thế thì đúng là chỉ nhà văn mới biết chọn.


Dòng văn học dịch có ảnh hưởng đến sự phát triển của văn học trong nước. Chắc chắn là như vậy, không cần phải bàn cãi. Nhưng tôi muốn nói đến khía cạnh khác của sự ảnh hưởng này: văn học dịch gần đây tạo ra hai kiểu văn chương tiếng Việt.


 

Một thứ văn như văn dịch.

Người viết như thể đang dịch văn mình từ tiếng Việt ra tiếng Việt. Câu cú đầy đủ chủ vị, đầy đủ giới từ hư từ, đầy đủ bổ ngữ tân ngữ. Sáo và trịnh trọng, khô cứng và nhạt nhẽo, giản đơn và thiếu cá tính. Cấu trúc câu cũng lùa thùa rườm rà, vòng qua vòng lại lý giải biện luận bằng những cụm bổ ngữ, làm phức tạp cho một câu lẽ ra đơn giản (ông đang đứng trước một cử tọa mà, không biết từ đâu kéo nhau đến rất đông, chen chúc những bộ mặt vô hồn dưới kia, đang nhìn lên ông, người mà sắc mặt tái đi, nói năng lập bập, không biết bắt đầu từ đâu, điều mà ông chưa từng là)…

Người viết tự sướng mà tự khen rằng văn mình Tây, tư duy mình Tây. Họ đang mô phỏng bản dịch cuốn sách nào đó mà họ khoái, và không biết rằng trong văn bản gốc, ngôn ngữ của cuốn sách ấy thực ra rất sinh động, mới lạ, nhiều sắc độ, giống như văn của Salman Rushdie và Arundhati Roy. Nhưng những cuốn sách ấy khi chuyển sang tiếng Việt thì ngôn ngữ không thể chuyển được đã gây ra tiếp nhận sai. Và mấy người viết bản địa muốn mô phỏng Tây kia đã và đang mô phỏng một thứ văn dịch nghèo nàn và nhợt nhạt, một thứ con lai không được cả Tây lẫn Ta thừa nhận.


 

Một thứ cốt truyện mỏng như truyện dịch.

Người viết tiếng Việt hiểu sai rằng không cần cốt truyện, hoặc chỉ cần một cốt truyện mỏng, giống như những cuốn sách bậc thầy của nhà văn nước ngoài. Có khi đấy cũng là do người viết tiếng Việt lười biếng, không chịu đầu tư kiến tạo cốt truyện. Họ lại cũng hiểu sai: những tác phẩm cốt truyện đơn giản ấy đòi hỏi phải được bù lại bằng một thứ văn hay.

Trong nguyên tác, văn Rushdie và Roy có thể làm người đọc xuýt xoa với từng câu từng chữ, gấp sách lại rồi thỉnh thoảng vẫn nhớ mà bật ra cửa miệng đôi ba câu. Không chú ý gây hấp dẫn bằng cốt truyện, họ chủ ý đầu tư vào văn, văn phải hay, phải độc đáo, phải ấn tượng, phải có những phát kiến về ngôn ngữ.


Tiếc. Mấy nhà văn ta đã hiểu sai. Họ không đầu tư vào văn. Cũng chẳng đầu tư vào cốt truyện.


 

Hồ Anh Thái

Nguồn bài viết: Thể Thao và Văn hoá cuối tuần — Số 23, ngày 5/6/2015

bottom of page